Chị Hồng Phương,ệmsaulầnđầuchinhphụcđỉnhTàChìNhùxsmb 30 ngày du khách Hà Nội, vừa có chuyến chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, nơi được coi là "nóc nhà" của tỉnh Yên Bái, với độ cao 2.979 m. Đây cũng là một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Quãng đường hơn 10 km từ khu Mỏ Chì (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu) lên đến đỉnh núi toàn dốc, hầu như không có "yên ngựa" (đoạn bằng), rất tốn sức với người lần đầu leo núi.
Sau khi hoàn thành chuyến đi, chị Hồng Phương chia sẻ một số kinh nghiệm, tư vấn đồ dùng cho những người muốn chinh phục các đỉnh núi. Chị Phương cũng cho hay tháng 10 là thời điểm đẹp ở Tà Chì Nhù vì hoa chi pâu tím đang nở rộ.
Trước chuyến đi
Hãy mua một đôi giày leo núi đế bám dính tốt (đế gai), rộng hơn một size so với cỡ chân bình thường, của các hãng nổi tiếng hoặc cửa hàng chuyên về đồ dã ngoại, không nên đi giày thể thao chạy đường thông thường.
"Đây là điều đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần chuẩn bị. Nhớ kỹ việc chọn giày rộng một chút, nếu không bạn sẽ không thể đi nổi", chị Phương cho hay.
Trước chuyến đi, hãy cắt gọn móng chân để không thúc vào mũi giày khi xuống núi, nhẹ thì đau nhức, nặng có thể bong móng ngón cái.
Với chuyến đi hai ngày một đêm, bạn nên sắm một chiếc ba lô trợ lực loại 15-20 lít. Quai áp vào vai cùng chốt ở bụng cố định ba lô vào lưng, dọc đường không bị xóc giúp vai và hai cánh tay đỡ đau nhức. Nếu không có điều kiện, hãy dùng loại ba lô khoảng 20 lít chất liệu nhẹ, có thể chống nước.
Chuẩn bị muối khoáng điện giải dạng viên nén cho vào chai nước uống hoặc ngậm dọc đường chống mất sức. Chai xịt hoặc viên uống chống căng cơ là những thứ cần thiết, bởi các dốc cao liên tiếp khiến người leo rất dễ bị chuột rút.
Tà Chì Nhù cuối thu se lạnh, bạn nên mang theo áo gió hoặc khoác nhẹ kèm một áo giữ nhiệt khi ban đêm trên lán nhiệt độ xuống khoảng 13-14 độ C. Thời tiết lạnh và khô nên cung trekking ít muỗi và hầu như không có vắt, song vẫn cần thuốc bôi hoặc xịt côn trùng.
Nếu đi theo nhóm, đoàn nên chia nhau mang đồ dùng để giảm trọng lượng ba lô của từng người. Ví dụ 5-6 người đi thì một nửa mang kem đánh răng, sạc điện thoại, số khác mang theo các loại thuốc cần thiết, trà gừng để cả đoàn dùng chung.
Nếu lần đầu leo núi, các thành viên cần rèn luyện thể lực bằng cách lên xuống cầu thang, đi bộ vài km mỗi ngày.
Trong chuyến đi
Chặng leo Tà Chì Nhù thường xuất phát từ khu Mỏ Chì của xã Xà Hồ từ sáng sớm. Thời gian leo lên tới đỉnh khoảng 6-8 tiếng cho quãng đường dài 10 km, với khoảng 17.000 bước chân. Trời mát, ai cũng hy vọng lên tới đỉnh sẽ gặp được biển mây. Hai ngày trước trời mưa khiến nhiều đoạn trơn trượt. Hai chiếc gậy leo núi cùng đôi găng tay mỏng loại bám dính tốt trợ lực cho người leo liên tiếp vượt dốc cao.
Dù đi theo nhóm, bạn vẫn nên thuê porter (người khuân vác hành lý) bản địa dẫn đường và gùi đồ. Porter hầu hết là người Mông ở địa phương nên thuộc từng con dốc. Họ sẽ chỉ cho bạn điểm nào chụp ảnh đẹp nhất. Họ liên tục động viên khiến người leo khó lòng bỏ cuộc trước những đoạn dốc "thở ra bằng tai", kiên nhẫn đứng lại chờ khi bạn đã chùn chân.
Vượt dốc cao liên tục, nhiều người có thể bị chuột rút, căng cơ. Nên dùng chai xịt chống căng cơ. "Khi đó, nên đi những bước nhỏ và đều. Bước dài chân sẽ mau xuống sức", chị Hồng Phương nói thêm.
Sau khi leo bộ 7 km đường núi dốc, đoàn đến lán nghỉ cuối cùng, cách đỉnh khoảng 3 km. Khách có thể gửi đồ tại đây, ăn trưa và nghỉ ngơi một lúc, bôi thêm kem chống nắng để tránh bị cháy da trước khi leo tiếp vào buổi chiều.
Quãng đường từ lán lên đỉnh Tà Chì Nhù chỉ có cây dại, lác đác hoa chi pâu nở. Đây mới thực sự là thử thách với người leo. Đường đi không khó, song "bào" sức khá nhanh khi toàn núi đá, gió hun hút trong ngày mưa. Bạn nên mang theo muối điện giải, gel năng lượng để ăn dọc đường kèm mũ chắn gió, kính chống nắng và áo mưa loại nhẹ. Các porter người Mông còn mang theo khèn, sáo thổi lúc cả đoàn đứng nghỉ dọc đường.
Mất khoảng hai tiếng vượt 3 km để đến mốc "Tà Chì Nhù 2.979m" bằng inox cùng lá cờ Tổ quốc.
Sau chuyến đi
Porter người Mông dẫn cả nhóm xuống núi theo lối đối diện với đường lên, nơi. hoa chi pâu nở rộ, kéo thành một dải tím nhạt hút mắt dọc sườn núi. Trở về lán, khách có thể mua nước nóng tắm với giá 50.000 đồng một người, ăn một bát mì tôm trứng để lấy lại sức. Nếu ngủ lại ban đêm trên lán, bạn nên mang theo một chiếc đèn pin mini vì ở đây nguồn điện hạn chế. Trước khi ngủ nên dùng miếng dán ở đùi và bắp chân, chống căng mỏi cơ cho ngày hôm sau xuống núi.
Hành trình xuống núi mất khoảng nửa thời gian so với đi lên. Dốc đứng liên tiếp dễ khiến bạn mỏi gối, chồn chân. "Bạn nên chống đầu gậy vào phần đất mềm và đi xoay ngang bàn chân để trọng lực cơ thể không dồn ép vào các ngón chân khiến chúng đau nhức", chị Phương nói. Những chiếc bó đầu gối, bó cổ chân lúc này sẽ được phát huy, giúp người leo hạn chế chấn thương. Nếu quá mệt, bạn hãy nhờ các porter giúp sức bằng cách bám một tay vào gùi sau lưng họ ở những đoạn quá dốc.
"Đừng xuống núi Tà Chì Nhù một mình khi đầu gối đã chùng, chân đau nhức, bạn không thể lường hết được những bất trắc dọc đường", chị Hồng Phương khuyên.
Phương Hoàng